Thương hiệu Festival Huế góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Việt Nam, làm tăng sức hấp dẫn và sự ngưỡng mộ đối với du khách. Người dân Huế có cơ hội tiếp xúc, nắm bắt được thị hiếu du khách, tạo ra những sản phẩm du lịch chứa đựng giá trị văn hóa.
Khởi nguồn từ Liên hoan gặp gỡ giữa Huế (Việt Nam) và Codev (Pháp) vào năm 1992, đến nay Festival Huế đã trải qua 8 kỳ tổ chức và trở thành thương hiệu quốc tế. Trước giờ Festival khai mạc (tối 12/4/2014), Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2014. Thưa ông, đâu là những điểm mới của Festival Huế 2014? Có thể khẳng định, muốn thu hút du khách và quảng bá văn hóa Việt Nam thì Festival Huế luôn luôn phải mới. Cái mới ở đây không có nghĩa làm mới hoàn toàn mà phải giữ cốt cách riêng trên nền văn hóa truyền thống. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2014 là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng. Qua đó, quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng cho những vùng văn hóa và các thành phố Cố đô Việt Nam. Cùng với việc giới thiệu nghệ thuật âm nhạc cung đình, các làn điệu dân ca Huế sẽ là hàng trăm chương trình nghệ thuật được tuyển chọn từ hơn 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, nhiều quốc gia lần đầu cử đoàn nghệ thuật tham dự như Brazil, Palestine, Uruguay, Rumani, Slovakia… Đặc biệt, trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival còn diễn ra Liên hoan ẩm thực quốc tế (ASEAN + Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc); Liên hoan Múa quốc tế - hội tụ nghệ thuật múa tiêu biểu của nhiều quốc gia. Riêng Lễ hội Áo dài phối hợp với một số chương trình nghệ thuật múa đương đại... tạo thành chương trình tổng hợp gắn với sông Hương - cầu Trường Tiền - chợ Đông Ba, nhân kỷ niệm 115 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba ra đời. Trong thời gian này, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN+3 được tổ chức tại Huế. Điều vinh dự là hội nghị sẽ ra tuyên bố chung “Huế - thành phố văn hóa” cùng Đêm văn hóa ASEAN + 3 sẽ làm nổi bật các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi nước. Còn việc đóng góp của Festival Huế đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản? Festival Huế với định kỳ 2 năm một lần, đã góp phần thay đổi quan niệm của người dân Huế; là minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi các công trình kiến trúc của quá khứ, cùng với việc làm sống lại các truyền thống văn hóa. Đã có gần 100 công trình thuộc di tích Huế được bảo tồn, trùng tu với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng, trong đó khoảng 350 tỷ đồng từ ngân sách. Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003, từng bước được đầu tư bảo tồn và phát huy... Có thể nói, Di sản văn hóa Huế làm nền tảng cho Festival và ngược lại Festival tạo cho di sản Huế đến được nhiều hơn với công chúng qua các lễ hội như: Đêm Hoàng cung, Lễ tế Giao, tế Xã Tắc, lễ hội Huyền Trân, lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung... Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch thì di tích gắn với lễ hội được Nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật trùng tu, phục chế. Trong đó một số phế tích như đàn Xã Tắc, Núi Bân... được phục hồi nguyên vẹn. Đặc biệt, với thành công qua các kỳ Festival, Huế đã được Chính phủ cho phép xây dựng thành thành phố Festival của Việt Nam. Về lâu dài bài toán kinh tế của các kỳ tổ chức Festival có được tính đến thưa ông? Mặc dù quan điểm trong văn hóa có kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu, song đến thời điểm hiện nay, có thể nói, chưa một quốc gia nào khi tổ chức sự kiện văn hóa lại nghĩ ngay đến câu chuyện lỗ - lãi, để từ đó quyết định tổ chức hay không tổ chức. Cái chính là làm các sự kiện văn hóa nhằm mục đích quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam. Hiệu quả kinh tế của Festival là lâu dài và tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều địa phương, từ xã hội. Mỗi kỳ Festival có hàng trăm ngàn lượt du khách từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế. Đó là sức lan tỏa văn hóa, không dễ bỏ tiền ra mua được. Từ khi có Festival Huế, nhã nhạc cung đình, ca Huế, diều Huế, nón Huế, áo dài Huế... những đặc trưng văn hóa Việt, lần lượt được mời đến với các sự kiện quan trọng hay liên hoan nghệ thuật quốc tế ở các nước. Ngược lại, Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nói cách khác, thương hiệu Festival Huế góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Việt Nam, làm tăng sức hấp dẫn và sự ngưỡng mộ đối với du khách. Người dân Huế có cơ hội tiếp xúc, nắm bắt được thị hiếu du khách, tạo ra những sản phẩm du lịch chứa đựng giá trị văn hóa. Riêng du lịch Huế, từ chỗ chỉ đón hơn 200.000 lượt khách năm 1993 với doanh thu 4 tỷ đồng, đến nay số lượng khách đã tăng lên hơn 2 triệu lượt người, doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều tập đoàn quốc tế tìm đến Huế để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chỉ riêng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến nay đã thu hút được 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Xin cảm ơn ông! Đỗ Hùng – Hoàng Anh thực hiện |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét